Bạn đang xem bài viết Triển Vọng Nuôi Cá Tầm Tại Lâm Hà (Lâm Đồng) – Tạp Chí Thủy Sản Việt Nam được cập nhật mới nhất trên website Psc.edu.vn. Hy vọng những thông tin mà chúng tôi đã chia sẻ là hữu ích với bạn. Nếu nội dung hay, ý nghĩa bạn hãy chia sẻ với bạn bè của mình và luôn theo dõi, ủng hộ chúng tôi để cập nhật những thông tin mới nhất.
Vừa về hưu, ông giáo Hoàng Ngọc Hùng (59 tuổi, ngụ thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà) đã mày mò thử nghiệm mô hình nuôi cá tầm – một loài cá nước lạnh có giá trị kinh tế cao. Để chuẩn bị cho ý tưởng của mình, ông Hùng đã lặn lội đi các nơi chuyên nuôi cá tầm để học hỏi kinh nghiệm và lên mạng tra cứu thông tin về cách nuôi loài cá nước lạnh này. Ông nói: “Ngày trước tôi chuyên nuôi trùn quế bán cho các công ty nuôi cá tầm nhưng nhiều lần tò mò, tôi tự hỏi tại sao họ lại thu mua trùn quế nhiều như vậy? Sau nhiều lần tìm hiểu, tôi được biết đến mô hình nuôi cá tầm tại Lâm Đồng có giá trị kinh tế rất lớn nên mới bắt đầu nghiên cứu, tìm hiểu mô hình này”.
Nhiệt độ nước hồ Phúc Thọ phù hợp nên bè cá tầm của ông Hùng tăng trưởng khá tốt
Sau một thời gian tìm hiểu chi tiết về nguồn giống, kỹ thuật cho cá ăn, nhiệt độ nước thích hợp để nuôi cá… ông Hùng quyết định bỏ 500 triệu tiền vốn đầu tư nuôi cá tầm. Lứa đầu tiên, ông coi như một cuộc thử nghiệm, có thể thắng thua hoặc huề vốn. Sau khi hợp đồng thuê được diện tích mặt nước hồ Phúc Thọ (xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà), ông Hùng đã mua 1.500 con cá tầm giống đầu tiên (loại to bằng ngón tay cái, giá 65.000 đ/con) và thuê người chăm nuôi.
Trong diện tích hồ nước rộng gần 50 hecta, bè cá tầm của ông Hùng nằm lọt thỏm giữa mặt nước xanh ngắt. Khu bè cá có tổng diện tích 160 m2 với 12 lồng nuôi cá được quây lưới cẩn thận. Lứa cá đầu tiên được thả từ tháng 5/2011 và hiện đã xuất bán gần hết cho các thương lái với giá trung bình từ 230.000 – 250.000 đ/kg. Hiện nay, trong bè cá chỉ còn khoảng 500 con (nặng khoảng 2 – 2,5 kg/con) đang chờ bán tiếp. Anh Nguyễn Khắc Tám (người nuôi cá thuê cho ông Hùng) cho biết: “Nhiệt độ tại hồ nước này khá thuận lợi cho việc nuôi cá tầm nên tôi thấy cá cũng lớn rất nhanh. Như cá nuôi ở bè này sau 1 năm nuôi thả, mỗi con cá đạt trọng lượng trung bình từ 2,5 – 3 kg”.
Cách bè cá cũ của ông Hùng không xa là bè cá mới khá lớn cũng vừa được hình thành. Bè cá này có diện tích 360 m2 với 9 lồng nuôi cá. Đây là bè cá được ông Hùng liên kết với 1 công ty chuyên nuôi cá tầm trên Đà Lạt xuống hợp đồng. Đơn vị liên kết có nhiệm vụ cấp giống, vốn… còn ông Hùng có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng và quản lý bè cá. Ông Hùng cho biết: “Sau lứa cá nuôi thử nghiệm đầu tiên tôi thấy nuôi cá tầm cũng không khó lắm. Hiện giờ tôi đang liên kết với một công ty nuôi cá tầm để mở rộng mô hình và trong hướng phát triển 5 năm tới, chúng tôi cũng đề ra mục tiêu nuôi cá tầm lấy trứng vốn đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều”.
Trong khi đó, Trung tâm Nông nghiệp huyện Lâm Hà cũng đang thực hiện đề án nghiên cứu, đánh giá về mô hình nuôi cá tầm thương phẩm trên địa bàn huyện Lâm Hà. Qua nghiên cứu cho thấy, Lâm Hà là một trong những địa phương trong tỉnh có độ cao trên 600m so với mực nước biển và hoàn toàn có thể nuôi được cá tầm. Tuy đây là mô hình kinh tế mới, đòi hỏi kỹ thuật cao nhưng xem ra khá phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng và khí hậu tại vùng đất này.
Ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp huyện Lâm Hà, nhận định: “So với Đà Lạt và Lạc Dương thì điều kiện của Lâm Hà chắc chắn sẽ không bằng nhưng thực tế, các mô hình nuôi thử nghiệm của một số người dân trên địa bàn huyện trong thời gian qua đã khá thành công. Tuy nhiên, cá tầm là một loài khó nuôi và đòi hỏi nhiều kỹ thuật trong chăm sóc nên người dân cũng cần lưu ý đến nhiệt độ nước, mức độ ô nhiễm nguồn nước cũng như các biện pháp để khắc phục các tình trạng này, tránh thiệt hại về kinh tế”.
Nguyễn Dũng
Theo Báo Lâm Đồng
Quảng Ngãi: Triển Vọng Từ Mô Hình Nuôi Cá Tầm – Tạp Chí Thủy Sản Việt Nam
Đầu năm 2015, chúng tôi có dịp lên thăm mô hình nuôi cá tầm của Trạm Khuyến nông Sơn Tây triển khai thí điểm tại Tập đoàn 10, xã Sơn Bua. Đón chúng tôi tại khu hồ nuôi trồng thử nghiệm, anh Ngô Hữu Phong, cán bộ kỹ thuật phụ trách mô hình nuôi cá tầm cho biết: Năm mới được nhà báo và lãnh đạo huyện tham quan, chắc mô hình này gặp nhiều thuận lợi… Nói rồi, anh Phong đưa chúng tôi ra tham quan khu hồ nuôi cá tầm. Khác với các mô hình nuôi thủy sản truyền thống, mô hình được xây dựng khá quy củ gồm 2 hồ cá được lót bạt chống thấm, trung bình mỗi hồ rộng 100 m2.
Khu hồ nuôi thử nghiệm cá tầm dưới chân núi Nước Tua.
Trong khu hồ nuôi, thả 500 con cá tầm giống, trọng lượng từ 50 – 70 g/con, do Công ty liên doanh Việt-Nga có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh cung cấp. Sau hơn 3 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng trung bình 700 g/con. Cá biệt có con nặng tới 1 kg. “Với tốc độ tăng trưởng đều như hiện nay, dự tính sau 8 tháng nuôi, cá đạt trọng lượng trên dưới 3 kg sẽ xuất bán. Theo giá thị trường hiện nay từ 280.000 – 350.000 đồng/kg. Điều này mở ra triển vọng về một giống vật nuôi mới có giá trị kinh tế cao, góp phần thúc đẩy phát triển KT – XH của huyện”, anh Phong cho biết.
Thấy cá tầm sinh trưởng nhanh, Bí thư Huyện ủy Sơn Tây Đinh Kà Để phấn khởi, nói: Khí hậu, nguồn nước ở vùng núi Nước Tua này tương đồng với nguồn nước, khí hậu vùng núi huyện KonPlong (Kon Tum) nơi nuôi loại cá tầm này sinh trưởng rất tốt, cho hiệu quả kinh tế cao. Từ thực tế này, huyện chỉ đạo Trạm Khuyến nông khảo sát và thấy khu vực núi Nước Tua này là phù hợp nên huyện đồng ý cho trạm xây dựng thí điểm 2 hồ nuôi cá tầm theo đúng yêu cầu về kỹ thuật và thả nuôi cá. Đến nay, mô hình này đã thành công bước đầu…
Anh Phong cho biết thêm, cá tầm là giống cá xứ lạnh, nhiệt độ nước thích hợp nhất từ 18 – 23 độ C. Khu vực huyện chọn nuôi cá tầm nhiệt độ nước cao nhất vào mùa hè cũng không quá 28 độ C. Với điều kiện khí hậu như thế bảo đảm cá tầm sinh trưởng và phát triển tốt. Việc nuôi thủy sản mới này cũng khá vất vả, đặc biệt là đối với loài cá tầm đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật rất cao, phải cho cá ăn đúng giờ, hằng ngày đo nhiệt độ nước, độ pH.
Hằng tháng phải cân tính tăng trọng và phân loại cá theo trọng lượng để chăm sóc riêng. Khó khăn, vất vả là vậy, nhưng anh em ở trạm nỗ lực tìm tòi, học hỏi trong sách báo, tham quan các mô hình nuôi cá tầm ở nhiều nơi để có thêm kinh nghiệm cũng như kỹ thuật nuôi cá. Những hôm trời lạnh, anh em phải lội xuống hồ theo dõi xem cá có bị chấm đỏ không, nếu bị thì cách ly, chữa trị, tránh lây lan sang con khác… Qua hơn hai tháng nuôi thử nghiệm, cá sinh trưởng tốt, thích nghi với điều kiện khí hậu, môi trường vùng núi Sơn Bua. Điều này cho thấy việc nuôi cá tầm trên vùng núi Sơn Bua rất có triển vọng.
Theo Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Lê Văn Tùng, cá tầm được nuôi ở nhiều nơi trong cả nước, nhưng với huyện Sơn Tây thì đây là mô hình đầu tiên được nuôi tại xã Sơn Bua. Từ những tín hiệu bước đầu của mô hình đã mở ra triển vọng mới cho nuôi trồng thủy sản ở Sơn Tây. Sắp tới, huyện mở rộng thêm 2 hồ nữa để có hồ ươm cá, hồ vỗ béo,… Nếu mô hình này được nhân rộng và phát triển sẽ cung cấp một lượng lớn cá tầm sạch mang thương hiệu Sơn Bua cho thị trường trong và ngoài huyện. “Quan điểm của huyện là xây dựng mô hình nuôi cá tầm theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao. Mô hình thành công, huyện sẽ mở rộng quy mô bằng việc phối hợp với các công ty để thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm”, ông Tùng khẳng định.
Đặc Sản, Dễ Nuôi – Tạp Chí Thủy Sản Việt Nam
Cá hô – đối tượng thủy sản có giá trị cao Ảnh: PTC
Đặc điểm sinh học
Cá hô thuộc họ cá chép Cyprinidae và có tên khoa học là Catlocarpio siamensis. Phần trước thân của cá hơi tròn và cao, phần sau dẹp bên; Cao thân khoảng 1/3 dài chuẩn; Đầu rất to, đỉnh đầu rộng, giữa mắt và mõm của phần lưng đầu lõm xuống; cá không có râu, khe mang rộng, thân phủ vảy tròn to; Đầu và lưng có màu nâu xám hoặc ánh xanh, nhạt dần xuống bụng trắng bạc; Mắt cá to, vảy to, vây lưng cao, gốc vây lưng, vây hậu môn có phủ vảy nhỏ. Bụng màu trắng bạc, các vây hơi phớt hồng, cuối các tia vây màu đen. Cá hô thường sinh sống ở những hố lớn cạnh bờ những dòng sông lớn, nhưng chúng cũng có thể bơi vào những kênh, rạch, sông nhỏ để kiếm thức ăn trong một số thời điểm. Chúng phân bố chủ yếu tại Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam (phân bố ở Châu Đốc, sông Mê Kông). Người ta đã bắt được cá hô dài tới 3 m, nặng khoảng 300 kg; ở Việt Nam thỉnh thoảng đánh bắt được cá hô loại 100 – 200 kg. Cá hô là loài ăn tạp, thức ăn của chúng có thể là thực vật phiêu sinh, rong, trái của thực vật trên cạn, thực vật thủy sinh và các động vật không xương sống thủy sinh…
Cho lãi lớn
Cá hô tuy là loài quý hiếm, trước đây cá chủ yếu là đánh bắt nhưng thời gian gần đây người dân ở miền Tây đã nuôi rất thành công giống cá này trong ao. Cá có thể trọng lớn, thịt thơm ngon, vị ngọt và dai nên rất được ưu chuộng trên thị trường và được các nhà hàng lớn thu mua. Cá hô đạt 4 – 6 kg/con trên thị trường có giá khoảng 80.000 – 120.000 đồng/kg, tuy nhiên có thể lên đến 1 – 2 triệu đồng/kg đối với cá 30 kg trở lên. Từ năm 2005, nước ta đã cho sinh sản nhân tạo thành công loài cá quý này tại Trung tâm Quốc gia Giống thủy sản nước ngọt Nam bộ, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II, tiếp đến Trung tâm Giống thủy sản An Giang cũng đã sản xuất nhân tạo thành công giống cá này. Nhờ chủ động được nguồn giống nên nghề nuôi cá hô phát triển mạnh ở nhiều địa phương của nước ta như An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang…
Cá hô có thể nuôi đơn trong ao, lồng bè, đăng quầng. Với tốc độ tăng trọng 2 – 3 kg/năm, chúng có thể được nuôi đơn trong ao hoặc lồng bè với mật độ 3 – 4 con/m2; ngoài ra, còn có thể thả ghép với các loài cá nước ngọt khác, với mật độ 10 m2/con, để tận dụng thức ăn. Ở miền Nam, cá hô có thể thả nuôi quanh năm do khí hậu ấm áp, cá phát triển tốt. Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, việc đưa cá hô vào nuôi không những mang lại giá trị kinh tế cao mà còn góp phần bảo tồn tài nguyên quốc gia.
Loài Nuôi Mới – Tạp Chí Thủy Sản Việt Nam
Đặc điểm sinh học
Chày mắt đỏ sống hoang dã ngoài tự nhiên, tại các thủy vực nước chảy: sông, suối và hồ chứa từ Trung Quốc đến phía Bắc Việt Nam. Ở nước ta, cá thường sống ở tầng nước giữa và tầng mặt, phân bố trong các sông hồ từ Bắc vào Nam, được người dân vớt giống tự nhiên và nuôi trong các ao, đìa…
Thân cá dày, tương đối tròn, vẩy phủ đều toàn thân, thân và bụng có màu trắng và vàng nhạt, viền mắt màu đỏ tươi. Cá có tính ăn tạp, thiên về thực vật, mùn bã hữu cơ và có khả năng tăng trưởng trọng lượng tối đa 4 kg sau 4 năm. Ngoài tự nhiên, cá thành thục và tham gia sinh sản sau một năm tuổi, kích cỡ từ 0,2 kg trở lên. Vào mùa sinh sản (tháng 4 – 6), cá ngược dòng lên thượng lưu các con sông, suối để tham gia sinh sản và đẻ trứng trôi nổi như các loài khác (cá mè, trôi, trắm…). Trứng cá sau khi thụ tinh, theo nước xuôi xuống hạ lưu, nở ra cá bột, dạt vào kênh mương, ao hồ; Cá sử dụng thức ăn là động, thực vật phù du, ấu trùng côn trùng, giun chỉ… Khi lớn ăn thêm mùn bã hữu cơ, rong bèo, rau xanh…
Tình hình nuôi
Trong tự nhiên, chày mắt đỏ được xếp vào hạng cá ngon, đặc sản, trong bữa cơm gia đình được ưu tiên cho người già và trẻ em. Hiện nay trên thị trường vẫn đang hiếm loài cá này, do vậy nuôi cá chày mắt đỏ thương phẩm vẫn có tiềm năng lớn. Năm 2008, cá chày mắt đỏ đã được sinh sản nhân tạo thành công tại Trung tâm Tư vấn Thiết kế và Chuyển giao công nghệ thủy sản, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I (tỉnh Bắc Ninh). Việc sản xuất giống nhân tạo thành công loài cá này vừa đáp ứng được nhu cầu con giống cho người nuôi vừa góp phần tái tạo nguồn lợi thủy sản. Đến nay, giống cá này đã được nhân rộng ra nhiều tỉnh phía Bắc.
Chày mắt đỏ nuôi đơn hoặc nuôi ghép với các loài cá khác trong ao đều mang lại hiệu quả. Nếu nuôi đơn cá trong ao đất với mật độ 2 con/m2 sử dụng thức ăn công nghiệp, sau 6 tháng nuôi, tỷ lệ sống đạt 80%, cỡ cá trung bình 0,7 kg/con, hệ số thức ăn 2,5; năng suất ước đạt 8 – 10 tấn/ha. Với giá bán 35.000 đồng/kg, trừ chi phí sẽ mang lại lợi nhuận 90 – 120 triệu đồng/ha. Ngoài ra, cá còn có thể thả ghép trong ao cùng các loài khác (mè, trôi, trắm, chép, rô phi…) với tỷ lệ thả ghép chiếm 40 – 50% tổng lượng cá trong ao, sau một năm nuôi, cá đạt trọng lượng 0,8 – 0,9 kg/con và tỷ lệ sống đạt trên 80%.
Hiện, nguồn giống cá được bán nhiều ở các đại lý và cơ sở sản xuất giống tại miền Bắc, với giá 300 – 500 đồng/con (cỡ 6 – 8 cm).
Địa chỉ cung cấp giống:
1.Trung tâm Tư vấn Thiết kế và Chuyển giao công nghệ thủy sản, Viện Nghiên cứu NTTS I, tỉnh Bắc Ninh. Ông Đặng. Điện thoại: 0904 113 037
2. Trung tâm Phát triển công nghệ thủy sản Việt Nam, số 180 Tân Lập, P. Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
Ông Lương. Điện thoại: 0913 528 826
Cập nhật thông tin chi tiết về Triển Vọng Nuôi Cá Tầm Tại Lâm Hà (Lâm Đồng) – Tạp Chí Thủy Sản Việt Nam trên website Psc.edu.vn. Hy vọng nội dung bài viết sẽ đáp ứng được nhu cầu của bạn, chúng tôi sẽ thường xuyên cập nhật mới nội dung để bạn nhận được thông tin nhanh chóng và chính xác nhất. Chúc bạn một ngày tốt lành!